Có tới gần 80% dân số tham gia sản xuất, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn.

Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. TTXVN thực hiện chùm bài viết về Nông nghiệp xanh nhằm nhìn nhận những nỗ lực của Việt Nam đưa nền nông nghiệp hướng tới dòng chảy mới của thị trường.

Bài 1: Nắm bắt dòng chảy mới của thị trường

Nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050… Tất cả đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sử dụng hiệu quả tài nguyên

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế – xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Vụ Đông Xuân 2021-2022 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân.  Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, kỹ thuật tưới nông – lộ – phơi… Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê tan sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông – lộ – phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.

Hay mô hình lúa – tôm, lúa – cá… không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh. Đây là một trong những mô hình điển hình trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ có sản phẩm đặc sản, giá trị cao, người sản xuất còn bán được cả giá trị nhân văn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong canh tác lúa. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… bằng cách xây dựng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.

Điển hình như trong chăn nuôi bò của Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, để tạo nguồn thức ăn, đơn vị thu mua toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp: thân cây ngô, rơm, đậu lạc…. sản xuất thành thức ăn chăn nuôi. Tận thu các phế phẩm của ngành sản xuất gỗ như: dăm, bào, mùn cưa… sản xuất thành đệm sinh học. Thức ăn của vi sinh vật trong đệm sinh học chính là chất thải của con bò. Việc chuyển hóa này sẽ giúp chuồng trại không có mùi hôi, luôn sạch sẽ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sẽ tái chế các đệm sinh học này. Phân bón đã là nguồn thu có ý nghĩa nhất định trong thu nhập của doanh nghiệp.

Cách làm trên được ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, Chủ  tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ. Điều đặc biệt là cách làm này đang được ông và Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cùng nông dân, trang trại cho đến các doanh nghiệp lớn lan tỏa để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn. 

Theo ông Hà Văn Thắng, với định hướng chung là tái chế, tái sử dụng, mỗi sản phẩm tạo ra đều mang một giá trị và trả nó về vị trí, góp phần tạo nên nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Khi sản xuất  tuần hoàn sẽ đáp ứng được 3 mục tiêu: hiệu quả – kinh tế – môi trường. Sản xuất tuần hoàn cần sự chia sẻ của cộng đồng nên nó còn giải quyết được bài toán an sinh xã hội.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, nông nghiệp xanh là cách tối ưu hóa nguồn lực. Làm thế nào để sản xuất nhiều thực phẩm hơn, chất lượng hơn nhưng tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn, đóng góp ít hơn lượng phát thải khí nhà kính.

Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân có kỹ năng sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp rất tốt trong nhiều năm qua. Tuy vậy, từ nền nông nghiệp thâm dụng tài nguyên khi chuyển sang nông nghiệp xanh sẽ có nhiều thách thức. Ông Đào Thế Anh cho rằng, đầu tiên là cần thay đổi tư duy và thói quen của nông dân. Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ nên cần có sự hướng dẫn, đào tạo để thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nhiều hóa chất sang sản xuất  sinh thái, tuần hoàn, tạo thêm giá trị gia tăng mà lại giảm được phát thải khí nhà kính.

Khoa học công nghệ làm điểm tựa

Trong bối cảnh đất đai và các nguồn lực ngày càng thu hẹp, nhưng phải đảm bảo tăng chất lượng, hiệu quả, giảm phát thải nhà kính, nguyên Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, nông nghiệp phải dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ phải là động lực chính. Một nền nông nghiệp dựa vào khoa học công nghệ để phát triển thì đòi hỏi phải có nhiều lao động có kỹ năng và được đào tạo.

Ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra, một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến cần có cơ sở hạ tầng tương ứng. Chẳng hạn khi muốn khuyến khích nông dân trồng lúa áp dụng phương thức “nông – lộ – phơi” thì trước hết phải giúp họ có được hệ thống thủy lợi nội đồng cho phép họ làm điều đó. Hay nền nông nghiệp số đòi hỏi phải có điện, hạ tầng số, hệ thống logistics hiệu quả.

Đến với sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ông Hà Văn Thắng cho rằng cần phải có sự vận dụng sáng tạo và lấy nền tảng là khoa học công nghệ, công nghệ số… Sản xuất tuần hoàn không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào, mà tùy thuộc vào điều kiện, năng lực mỗi tổ chức, cá nhân. Muốn sản xuất tuần hoàn được điều quan trọng là tư duy thiết kế mô hình sản xuất theo điều kiện, nguồn lực của mình. 

Để tiếp cận được khoa học công nghệ, ông Đào Thế Anh cho rằng nông dân cần có quy mô sản xuất đủ lớn mới có thể phát triển thành hàng hóa, đủ sản phẩm bán ra thị trường. Giai đoạn đầu chuyển đổi có thể năng suất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người nông dân. Bên cạnh đó, còn tình trạng “được mùa mất giá” do điều kiện tiếp cận thị trường còn kém. Để tham gia vào thị trường, nông dân phải tham gia vào hợp tác xã để học làm theo các tiêu chuẩn; trong đó có các tiêu chuẩn môi trường. Vì thế, mỗi địa phương cần có chính sách riêng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp xanh.

Cũng với xu hướng tận dụng và khai thác hết giá trị của một sản phẩm nông nghiệp thay cho chỉ khai thác một khía cạnh kinh tế của sản phẩm, cách sản xuất sản phẩm, kinh doanh quá trình hình thành sản phẩm thông qua gắn kết du lịch đang giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang là một hướng đi trong phát triển nông nghiệp xanh được nhiều địa phương khai phá.

Những trang trại có thể gắn kết với các làng nghề truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tạo các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng để thu hút, phục vụ khách du lịch. Sự liên kết trong và ngoài vùng thông qua thị trường du khách để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu như: thảo dược, sữa, chè, rau quả sạch… Nhiều vùng, 50% thu nhập của nông dân đến từ dịch vụ như cho thuê homestay, tham quan, trải nghiệm công việc nhà nông…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang tích hợp “đa giá trị”…

Sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

Chờ đón bài 2: Dấu chân hợp tác xã trên hành trình xanh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *